Trật khớp vai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trật khớp vai là vấn đề khá phổ biến có thể xảy ra với bất cứ ai, đây là dạng chấn thương mà trong đó xương cánh tay trên lệch khỏi ổ chảo – một phần của cấu trúc khớp và xương bả vai. Vì vai là khớp lớn và linh hoạt nhất cơ thể nên bộ phận này thường rất dễ bị tổn thương.
Nếu phát hiện dấu hiệu vai bị trật khớp, hãy chủ động liên hệ với bác sĩ từ sớm để được tư vấn kế hoạch điều trị hợp lý, tránh trường hợp để bệnh kéo dài gây trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày cũng như chất lượng cuộc sống. Thông thường, chấn thương trật khớp vai có thể chữa lành được chỉ sau vài tuần. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ những thông tin cơ bản về chấn thương trật khớp vai mà có thể bạn muốn biết.
Trật khớp vai là dạng chấn thương khá phổ biến có thể xảy ra với bất cứ ai
Nội dung chính
Trật khớp vai là gì?
Tổn thương trật khớp vai xảy ra khi phần chỏm của xương cánh tay trên bị lệch khỏi ổ chảo (có hình dạng như cái cốc), khiến cho mặt khớp giữa ổ chảo và phần chỏm xương cánh tay bị lệch hoàn toàn hoặc lệch một phần.
Ngoài ra, khi bị trật khớp vai, các mô liên kết xương với nhau bao gồm các nhóm cơ, gân nối giữa cơ – xương và dây chằng kết nối xương vai với xương bả vai đôi khi cũng bị tổn thương. Bên cạnh đó, trật khớp vai cũng có thể làm rách phần sụn, mô có tác dụng bao phủ và bảo vệ các đầu xương.
Vì sao khớp vai dễ bị trật?
Khớp vai hoạt động dưới cơ chế bi trong ổ với phần chỏm xương cánh tay khớp với một rãnh trên xương bả vai – đây là phần khớp linh hoạt nhất trong cơ thể giúp vai cử động, di chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Tuy nhiên, vì tính linh động của mình nên khớp vai thường không ổn định, dễ bị tổn thương dù cho nó được cố định bởi một nhóm các cơ, gân và dây chằng khá phức tạp. Đây cũng chính là phần khớp dễ bị trật nhất trong tất cả các khớp trên cơ thể con người.
Nguyên nhân gây trật khớp vai
Bởi tính linh hoạt nên vai có thể bị trật về phía trước, phía sau hoặc hướng xuống dưới. Nguyên nhân cơ bản khiến vai bị trật thường do một lực tác động mạnh vào khiến xương cánh tay bị lệch ra khỏi hốc vai. Trong trường hợp trật khớp vai không hoàn toàn, một phần của xương cánh tay vẫn nằm ở vị trí ban đầu và chỉ phần còn lại bị lệch khỏi ổ vai.
Nguyên nhân gây chấn thương trật khớp vai bao gồm:
- Chấn thương trong rèn luyện thể thao: Đây là chấn thương thường xuyên xảy ra trong các bộ môn thể thao cạnh tranh, yêu cầu vận động mạnh và dễ té ngã chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ, thể dục dụng cụ, bóng chuyền…
- Bị ngã hoặc tai nạn: Một lực lớn tác động vào vai do tai nạn có thể gây trật khớp.
Khớp vai là bộ phận quan trọng nhưng rất dễ bị tổn thương
Triệu chứng của trật khớp vai
Dưới đây là một vài biểu hiện của trật khớp vai mà bạn có thể tham khảo:
- Một bên vai bị biến dạng hoặc bị lệch
- Sưng, bầm tím
- Đau nhức
- Giảm phạm vi cử động vai
Ngoài ra sai khớp vai cũng có thể gây tê cứng, yếu tay hoặc đem lại cảm giác châm chích, ngứa ran ở vùng bị tổn thương. Bên cạnh đó, các cơ ở vai cũng bị co thắt khiến cho cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi phát hiện vai bị trật khớp, bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:
- Hạn chế di chuyển cánh tay và cố gắng giữ tay gần với cơ thể. Tuyệt đối không cố ấn vai trở lại vị trí ban đầu nhằm tránh làm đứt vỡ các mạch máu, cơ, dây chằng và các dây thần kinh.
- Chườm đá lên vùng sưng đau có thể giúp làm giảm sưng đau.
- Sử dụng thuốc ibuprofen (Advil hoặc Motrin), naproxen (Aleve hoặc Naprosyn) hoặc acetaminophen (Tylenol) để giảm đau. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là đối với các bệnh nhân mắc bệnh tim, huyết áp cao, bệnh thận, loét dạ dày hoặc chảy máu trong.
- Bệnh nhân cần được đưa đến các cơ sở y tế sớm nhất có thể.
Đau nhức, bầm tím là biểu hiện thường thấy nhất của tình trạng trật khớp vai
Điều trị trật khớp vai
Điều trị y tế
Để chẩn đoán trật khớp, hình ảnh X-quang ở vị trí tổn thương được chụp lại để xác định hướng của khớp bị trật và những thao tác cần thực hiện để nắn khớp lại đúng vị trí ban đầu.
Trước khi bắt đầu nắn chỉnh khớp vai, bệnh nhân sẽ được tiêm gây tê cục bộ vào khớp để giảm đau, các bác sĩ thường sẽ sử dụng thuốc tê tĩnh mạch giúp thả lỏng các cơ quanh vai.
Sau quá trình chỉnh khớp, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để đảm bảo khớp vai đã về đúng vị trí ban đầu. Sau giai đoạn này bệnh nhân sẽ phải đeo băng nẹp trong ít nhất một tuần, kết hợp với chườm đá từ 3 – 4 lần một ngày. Bên cạnh đó cần tập luyện các bài tập nhẹ nhàng nhằm tránh tình trạng khớp vai bị căng cứng. Sau một vài tuần chấn thương trật khớp vai sẽ phục hồi lại như ban đầu.
Khoảng một tuần sau khi chỉnh khớp, bệnh nhân nên đi kiểm tra lại tình trạng của xương, cơ, gân và dây chằng ở vai. Sau khi khớp vai đã lành, nên rèn luyện các bài tập vật lý trị liệu theo chỉ định của bác sĩ để giãn cơ và phục hồi khả năng vận động hiệu quả hơn.
Trong một số trường hợp người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để ổn định lại khớp vai. Hầu hết những bệnh nhân lần đầu bị trật khớp đều không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu chấn thương vẫn tiếp tục xảy ra, cần can thiệp phẫu thuật nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái chấn thương và giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh lý lâu dài khác, chẳng hạn như viêm khớp thoái hóa.
Điều trị y tế là biện pháp hiệu quả và triệt để nhất trong chữa trị trật khớp vai
Điều trị tại nhà
Hầu hết các trường hợp trật khớp vai cần được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tái phát và giảm thiểu khả năng biến chứng.
Nhưng trong khi chờ điều trị y tế , người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm bớt các triệu chứng:
- Chườm đá: Giữ một túi đá lạnh trên vùng vai bị đau từ 15 – 20 phút, lặp lại vài lần một ngày. Đá lạnh có tác dụng làm dịu cơn đau cũng như giảm sưng tấy.
- Nghỉ ngơi: Chấn thương hoàn toàn có khả năng tái phát nếu bạn đã từng bị trật khớp một lần trước đó. Hãy tránh các hoạt động làm tăng nguy cơ tái chấn thương như ném hoặc nâng vật nặng. Ngoài ra, việc trở lại chơi thể thao cần phải được thực hiện dần dần, chỉ nên bắt đầu khi nào khớp vai đã hoàn toàn hồi phục.
- Vật lý trị liệu: Nhẹ nhàng thực hiện các bài tập trị liệu vật lý mỗi ngày giúp khớp vai không bị tê cứng.
Khớp vai là khớp thường xuyên bị tổn thương nhất trong cơ thể. Vì vậy, khi nghi ngờ có các dấu hiệu bị trật khớp vai, bệnh nhân nên đi thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Nếu để tổn thương kéo dài sẽ gây ra đau đớn, làm hạn chế vận động cũng như làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tiềm ẩn về lâu dài. Trên đây là những thông tin cơ bản về chấn thương trật khớp vai mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết và hi vọng những thông tin được chia sẻ trong bài hữu ích với bạn trong việc cải thiện sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tình trạng trật khớp vai nên được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất
- Số 1 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM.
- Số 305 Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP. HCM.
- Sân Golf Rạch Chiếc, Xa lộ Hà Nội, Quận 2, TP. HCM.
- VPĐD: 34959 Eastin Drive Union City, California, USA.