Cách điều trị giãn dây chằng đầu gối và phòng ngừa hiệu quả
Giãn dây chằng đầu gối là một dạng chấn thương xảy ra khi dây chằng đầu gối bị kéo căng quá mức, đây là bệnh lý thường gặp ở những người thường xuyên chơi thể thao hoặc những người hay vận động. Nếu giãn dây chằng đầu gối không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số cách điều trị giãn dây chằng đầu gối mà bạn có thể cần biết.
Nội dung chính
Nguyên nhân gây giãn dây chằng gối
Giãn dây chằng gối không phải hiện tượng hiếm gặp, tình trạng thường xảy ra đối với người cao tuổi sức khoẻ xương khớp suy giảm, người tập luyện thể thao với cường độ mạnh, và nhất là người đã có tiền sử giãn dây chằng trước đó thì nguy cơ tái phát bệnh càng cao hơn. Một số nguyên nhân dẫn đến giãn dây chằng gối thường gặp nhất bao gồm:
- Đi giày không đúng kích cỡ khi đi lại, vận động, tập luyện thể dục thể thao
- Không khởi động, giãn cơ trước khi tập thể dục
- Luyện tập thể thao quá sức trong thời gian ngắn
- Chơi các môn thể thao đòi hỏi nhảy tiếp đất, xoay người đột ngột
Triệu chứng nhận biết giãn dây chằng đầu gối
Dấu hiệu cho thấy bạn bị giãn dây chằng đầu gối khá rõ ràng. Ban đầu là việc đau nhức vùng đầu gối với các cơn đau nhẹ cho tới đau kéo dài, đặc trưng với các biểu hiện sau:
- Căng cứng đầu gối, giới hạn phạm vi vận động
- Đau nhức
- Khớp gối phát ra tiếng lục cục
- Đầu gối sưng hoặc bầm tím
- Khuỵu gối khi đi lại
Với những dấu hiệu giãn dây chằng gối, người bệnh phải hết sức cẩn thận bởi việc đi lại, vận động sẽ bị cản trở có thể gây ngã, nguy hiểm nhất đối với người bệnh cao tuổi.
Chẩn đoán và điều trị giãn dây chằng đầu gối
Các biện pháp có thể được bác sĩ thực hiện để chẩn đoán bệnh như: Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ, nội soi khớp gối từ đó đưa ra phác đồ điều trị hợp lý
Điều trị giãn dây chằng đầu gối
Phương pháp điều trị giãn dây chằng đầu gối thường phụ thuộc vào tình trạng chấn thương và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số biện pháp phổ biến như:
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Như ibuprofen có tác dụng giảm sưng, đau và sốt cao. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, NSAID có thể gây xuất huyết dạ dày hoặc gây ra các vấn đề về thận đối với một số người. Đặc biệt nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi có ý định sử dụng một sốloại thuốc làm loãng máu.
Acetaminophen: (hay còn có tên gọi là paracetamol) là loại thuốc vô cùng quen thuộc và phổ biến. Nhưng người bệnh vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi dùng vì loại thuốc này có thể gây tổn thương gan trong một số trường hợp nếu không sử dụng đúng cách.
Thuốc giảm đau theo toa: Bệnh nhân có thể liên hệ bác sĩ để được kê đơn và hướng dẫn cách dùng thuốc giảm đau theo toa một cách an toàn. Tuy nhiên, trong một vài loại thuốc kê đơn có chứa Acetaminophen, vì vậy cần lưu ý khi sử dụng vì hàm lượng Acetaminophen quá lớn có thể gây tổn thương gan. Ngoài ra một số loại thuốc giảm đau khác còn có thể gây táo bón.
Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Chẳng hạn như nẹp đầu gối giúp người bệnh cố định khớp, hạn chế các di chuyển có thể gây tổn thương, đồng thời bảo vệ khớp gối trong quá trình điều trị.
Vật lý trị liệu: Áp dụng vật lý trị liệu không chỉ có tác dụng giảm đau khớp, tăng tuần hoàn máu, thư giãn cơ mà còn giúp ổn định khớp, kiểm soát các triệu chứng và tạo điều kiện giúp khớp nhanh hồi phục.
Phẫu thuật: Nếu các biện pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả hoặc tình trạng chấn thương quá nghiêm trọng. Người bệnh có thể cân nhắc đến phẫu thuật.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Để khớp gối được nghỉ ngơi, hạn chế chơi thể thao Nghỉ ngơi nhiều có tác dụng giảm sưng đau, tạo điều kiện để đầu gối mau phục hồi. Để ngăn tình trạng cứng khớp xảy ra, người bệnh chỉ nên tập luyện các bài tập chuyển động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chườm lạnh đầu gối trong khoảng từ 15 đến 20 phút mỗi giờ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ có khả năng giúp ngăn ngừa tổn thương mô, đồng thời giảm đau nhức, sưng tấy ở khớp gối.
Cố định khớp Khi dây chằng bị giãn, bệnh nhân nên cố định khớp gối bằng băng thun, đồng thời hạn chế di chuyển quá nhiều trong quá trình chữa trị để đầu gối nhanh phục hồi hơn. Khi sử dụng băng đeo cần chú ý băng cuốn phải đủ chặt để cố định khớp nhưng không được thắt quá chặt vì sẽ khiến chân tê ngứa. Băng đeo nên được tháo ra và thay thế mỗi ngày.
Kê cao đầu gối hơn tim nếu có thể. Phương pháp này giúp giảm sưng đau cũng như ngăn máu ứ lại. Chân nên được kê cao một cách thoải mái, lưu ý không kê ngay sau khớp gối.
Ngăn ngừa nguy cơ giãn dây chằng đầu gối
Giãn dây chằng đầu gối là hiện tượng chấn thương vô cùng phổ biến, có khả năng xảy ra với bất kỳ ai. Mặc dù đây là bệnh lý có thể chữa trị dứt điểm được nhưng tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống người bệnh, vì vậy việc phòng ngừa giãn dây chằng đầu gối là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp có thể thực hiện để phòng ngừa bệnh giãn dây chằng đầu gối:
- Luyện tập thể thao thường xuyên: Những người mới bắt đầu có thể tập làm quen rồi từ từ tăng thời gian, tần suất và cường độ tập luyện lên, vì nếu luyện tập thể thao quá mức một cách đột ngột sẽ có nguy cơ xảy ra chấn thương và gây bệnh giãn dây chằng đầu gối. Ngoài ra cũng cần thận trọng khi chơi thể thao để hạn chế tối đa tình trạng chấn thương.
- Sử dụng nẹp đầu gối theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nẹp đầu gối được dùng để hạn chế đầu gối di chuyển sai cách, từ đó giảm thiểu nguy cơ chấn thương có thể xảy ra. Các thiết bị bảo hộ cũng nên được sử dụng nhằm cố định, hỗ trợ cơ xương và dây chằng.
- Khởi động và giãn cơ trước khi luyện tập Bạn có thể khởi động trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao bằng những cách như đi bộ, đạp xe. Sau khi khởi động, bắt đầu bằng một vài động tác giãn cơ nhẹ nhàng sẽ giúp cơ bắp thả lỏng, khớp gối hoạt động trơn tru và linh hoạt hơn.
- Sử dụng giày phù hợp, vừa vặn, đúng kích thước Một chiếc giày không vừa hoặc lớp đệm của giày bị mài mòn sẽ ảnh hưởng đến khả năng vận động. Vì vậy, giày chơi thể thao cần phải vừa vặn, phù hợp, đặc biệt phải có miếng đệm lót chân vì đây là bộ phận quan trọng có nhiệm vụ nâng đỡ gót chân, vòm chân cũng như cố định bàn chân chắc chắn khi vận động.
Giãn dây chằng đầu gối là một trong những dạng chấn thương phổ biến nhất. Nếu được chăm sóc và điều trị giãn dây chằng đầu gối đúng cách, bệnh có thể được chữa trị dứt điểm hoàn toàn. Ngược lại, đối với các trường hợp người bệnh lơ là, chủ quan không chịu điều trị hoặc chăm sóc sai cách có thể khiến giãn dây chằng đầu gối kéo dài dai dẳng, trở thành bệnh mãn tính. Không những vậy còn có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy ngay khi vừa gặp chấn thương, bệnh nhân nên chủ động đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.