Điểm mặt những nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm và cách phòng tránh
Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh về đĩa đệm, cột sống dần tăng lên. Người bệnh thường xuyên chịu nhiều cơn đau nhức hành hạ, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động, thậm chí bị tàn phế. Tìm hiểu rõ các nguyên nhân thoát vị đĩa đệm sẽ giúp mỗi người nâng cao ý thức phòng tránh, ngăn ngừa những cơn đau để sống và làm việc hiệu quả hơn.
Nội dung chính
Những nguyên nhân thoát vị đĩa đệm thường gặp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đĩa đệm bị thoát vị, có thể là do các bệnh lý và cũng có thể là do thói quen sinh hoạt hằng ngày. Dưới dây là những nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm phổ biến:
1. Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống có thể nói là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm. Ở những người có độ tuổi từ 30 trở đi, cột sống bắt đầu thoái hóa mà điển hình là sự bào mòn dần của các lớp sụn khớp và những dấu vết bị tổn thương ở các đốt xương dưới sụn. Sự hư hại, tổn thương này nếu không được ngăn chặn về lâu dài sẽ đẩy nhanh quá trình cột sống bị thoái hóa, và khi đó gây tác động ngược làm các đĩa đệm nằm ở khe giữa hai đốt sống hư hại nhanh hơn.
Thoái hóa cột sống là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm
Cụ thể, sẽ làm cho lớp bao xơ (vỏ ngoài) của đĩa đệm bị rách hoặc nứt và khi đó lớp nhân nhầy bên trong đĩa đệm sẽ tràn qua các lỗ rách ấy đi ra ngoài chui vào ống sống, chèn ép các rễ thần kinh không ngừng và gây đau nhức cho người bệnh.
2. Các chấn thương
Chấn thương cột sống do té ngã khi đi lại, làm việc hay tập luyện cũng là những nguyên nhân gây bệnh thoát vị đĩa đệm thường gặp. Chấn thương ở vùng cột sống có thể khiến cho đĩa đệm không còn giữ được như cấu trúc ban đầu, trong đó phải kể đến tình trạng đĩa đệm bị mất một lượng nước bảo vệ khiến cho lớp vỏ bọc xơ bên ngoài trở nên khô và dễ gây rách, hay nứt lớp khiến cho nhân nhầy bên trong bị lòi ra, chèn ép vào các dây thần kinh và tủy sống, gây đau nhức, khó khăn trong vận động cột sống và các bộ phận liên quan.
Chấn thương có khả năng sẽ khiến cho cột sống bị tổn thương
3. Thói quen sinh hoạt và làm việc sai tư thế trong thời gian dài
Thói quen làm việc bê vác vật nặng sai cách cũng là nguyên nhân dẫn tới căn bệnh này. Nhiều người luôn cúi, khom người xuống thấp khi có vật nặng cần nhấc lên. Việc mang vác ở tư thế này là hoàn toàn sai và dễ gây chấn thương các đốt sống lưng.
Vì yếu tố nghề nghiệp mà những người làm nghề như dân văn phòng, người lái xe luôn phải ngồi lâu và còn có khi ngồi sai tư thế khiến cho cột sống dễ bị cong vẹo, gây thoái hóa khớp , trật khớp và thoát vị đĩa đệm.
Ngồi quá lâu ở một tư thế trong thời gian dài sẽ khiến cột sống dễ bị cong vẹo
4. Béo phì hoặc chế độ ăn uống thiếu chất
Thừa cân khiến cơ thể phải gánh thêm nhiều trọng lực, cột sống dần bị chèn ép. Vì các đĩa đệm phải chịu đựng thêm một khối lượng bổ sung như vậy, cho nên người bệnh rất có khả năng bị mắc bệnh thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, cơ thể suy yếu vì thiếu dinh dưỡng hoặc lối sống ít vận động, ít tập thể dục thể thao cũng có thể đóng góp làm gia tăng sự phát triển của bệnh.
Những người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ cao bị mắc thoát vị đĩa đệm
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thoát vị đĩa đệm như: yếu tố di truyền, các bệnh lý bẩm sinh như hoặc mắc phải ở vùng cột sống như gù vẹo cột sống, đi giày cao gót, các thói quen xấu như cúi đầu xem điện thoại, kẹp điện thoại vào vai nói chuyện trong nhiều giờ cũng ảnh hưởng đến đĩa đệm cổ,…
Bị bệnh thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không?
Bệnh thoát vị đĩa đệm nếu không được phát hiện sớm và có cách điều trị kịp thời có thể gây ra rất nhiều biến chứng khó lường, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Sau đây là một số biến chứng nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra:
– Rối loạn cảm giác: Biến chứng này thường xảy ra ở những vùng da bị chèn ép dây thần kinh. Lúc này người bệnh sẽ mất cảm giác nóng, lạnh do các vùng da bị tê bì, mất cảm giác.
– Ảnh hưởng đến thần kinh: Bệnh có thể gây ra tình trạng chèn ép và khiến hệ thần kinh liên quan bị tổn thương, gây đau nhức và khó chịu.
– Rối loạn tiểu tiện: Biểu hiện ban đầu của biến chứng này là bí tiểu, tiểu không kiểm soát. Nguyên nhân là do khi bị thoát vị đĩa đệm, vòng tròn cơ thắt ngoại vi bị liệt, không giữ được nước tiểu.
– Bị teo cơ: Khi thoát vị tiến triển nặng hơn, các dây thần kinh tại cột sống bị chèn ép, làm giảm lưu thông máu đến các cơ, lâu dần sẽ dẫn đến teo cơ, giảm khả năng vận động của người bệnh.
– Gây tê liệt, tàn phế: Đặc biệt nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bệnh có thể gây ra rất nhiều biến chứng tê liệt, tàn phế cả đời.
Nếu không điều trị thoát vị đĩa đệm sớm sẽ gây ra các biến chứng khó lường
Cách phòng ngừa bệnh thoát vị đĩa đệm ai cũng nên biết!
Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh ngày càng phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa dần, bệnh gây ra vô số khó khăn cho cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Vì thế, việc phòng ngừa bệnh là điều rất cần thiết, dưới đây là một số cách phòng bệnh hiệu quả:
– Các tư thế khi làm việc, hoạt động và lao động, hay khi vác nặng cần phải đúng. Nếu phải bê vật nặng, bạn nên ngồi xuống rồi mới bê vật nặng lên từ từ
– Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các chất như Omega3, canxi, vitamin D, vitamin K,… Cung cấp đầy đủ lượng Canxi sẽ giúp cho xương khớp khỏe mạnh. Ăn các thực phẩm như hải sản, cá, tôm, các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa.
Chế độ dinh dưỡng khoa học là biện pháp phòng tránh nhiều bệnh lý
– Ăn các loại thức ăn mà trong đó có chứa Acid Hyaluronic, Glucosamine và Chondroitin: giúp hồi phục sụn khớp và bao xơ ở vùng đĩa đệm, nên sử dụng các loại sườn và sụn để bổ sung.
– Hạn chế ăn nhiều các loại thực phẩm như thịt đỏ, đồ ăn chứa nhiều chất béo, dầu mỡ, nội tạng động vật, các chất gây nghiện và kích thích
– Những người ở độ tuổi chuẩn bị bước vào 30 nên chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng các lớp sụn khớp và xương dưới sụn để ngăn chặn quá trình thoái hóa cột sống. Đặc biệt, với những người đang gặp phải các triệu chứng nhức mỏi khu vực cổ, cột sống, đau lưng, thì nguy cơ này sẽ càng cao.
– Cần chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể lực, bằng một số bộ môn đơn giản như: đi bộ, bơi, đạp xe…
Rèn luyện thể thao thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe và độ dẻo dai của xương khớp
Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị hoặc phòng ngừa sớm. Mong rằng qua bài viết về nguyên nhân thoát vị đĩa đệm này bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về bệnh cũng như có được cách phòng tránh phù hợp cho bản thân. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào hãy điền form hoặc gọi điện qua số hotline 1900 5858 00 để được giải đáp bởi đội ngũ bác sĩ chuyên môn dày dặn của phòng khám USAC Chiropractic nhé!