Hội chứng đường hầm cổ tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Hội chứng đường hầm cổ tay là một trong những bệnh lý khá phổ biến có thể ảnh hưởng đến khả năng cử động ở tay. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để lâu dài có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc hội chứng đường hầm cổ tay, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ sớm nhất có thể vì bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong bài viết dưới đây, chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin cơ bản về hội chứng đường hầm cổ tay.
Nội dung chính
Hội chứng đường hầm cổ tay là gì?
Hội chứng đường hầm cổ tay là tình trạng phổ biến với số lượng người mắc phải ngày một tăng cao
Ống cổ tay là một ống nhỏ hẹp có dạng giống đường hầm nằm ở cổ tay. Bộ phận này cho phép dây thần kinh giữa và gân kết nối bàn tay với cẳng tay. Các bộ phận của ống cổ tay bao gồm:
- Xương cổ tay: Những xương này tạo nên đáy và hai bên của đường hầm cổ tay.
- Dây chằng: Được coi như phần mái của đường hầm, là dải mô liên kết cố định đường hầm cổ tay.
Bên trong đường hầm cổ tay là dây thần kinh giữa và gân.
- Dây thần kinh giữa: Chi phối cảm giác của các ngón trong bàn tay (ngoại trừ ngón út), chi phối vận động gốc ngón cái và ngón trỏ.
- Gân: Nối liền xương bàn tay với các cơ cẳng tay và cho phép các ngón tay uốn cong.
Hội chứng đường hầm cổ tay (hay còn có tên gọi khác là hội chứng ống cổ tay) là tình trạng thường gặp có khả năng gây đau, tê cứng, ngứa ran và làm yếu tay. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa đi qua ống cổ tay bị chèn ép quá mức.
Hiện nay, số lượng người mắc hội chứng này ngày càng tăng cao do nhu cầu về các công việc yêu cầu thao tác tay lặp đi lặp lại ngày càng nhiều. Bất kỳ ai cũng có thể mắc hội chứng đường hầm cổ tay, nhưng tình trạng này lại khá hiếm gặp trước tuổi 20.
Triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay
Tê cứng và yếu tay là hai biểu hiện thường thấy của hội chứng ống cổ tay
Các triệu chứng của hội chứng đường hầm cổ tay thường bắt đầu một cách chậm rãi và tiến triển trầm trọng dần theo thời gian, một số biểu hiện có thể bao gồm:
- Ngứa ran hoặc tê cứng: Hội chứng ống cổ tay có thể khiến người bệnh cảm giác bị tê như điện giật và ngứa ran ở các ngón tay hoặc bàn tay. Những cơn tê tay có thể lan nhanh từ cổ tay lên cánh tay và thường xảy ra khi người bệnh đang làm việc, cầm nắm đồ vật hoặc thậm chí cả khi đang ngủ.
- Yếu tay: Người bệnh có thể bị yếu tay và thường xuyên làm rơi đồ vật, nguyên nhân có thể do tay bị tê cứng hoặc cơ ngón cái bị yếu do dây thần kinh giữa chi phối hoạt động và cảm giác bị chèn ép, áp lực quá mức.
Nguyên nhân gây hội chứng đường hầm cổ tay
Hội chứng đường hầm cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa trong ống cổ tay bị chèn ép quá mức
Dây thần kinh giữa chạy từ cẳng tay đến bàn tay thông qua một đường hầm nhỏ hẹp, có tác dụng chi phối cảm giác của lòng bàn tay và các ngón (trừ ngón út), cũng như đảm nhiệm chức năng vận động của cơ mô cái.
Bất cứ yếu tố gì gây chèn ép dây thần kinh giữa trong ống cổ tay đều có thể dẫn đến hội chứng đường hầm cổ tay. Chẳng hạn như chấn thương gãy cổ tay có thể dẫn đến việc ống cổ tay bị thu hẹp và kích thích dây thần kinh, gây sưng và viêm như các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, không có nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng ống cổ tay mà có thể là do sự kết hợp các yếu tố gây phát triển hội chứng này dẫn đến bệnh.
Các yếu tố gây hội chứng đường hầm cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau
Dưới đây là một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ dẫn đến hội chứng ống cổ tay. Mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng các yếu tố này có thể làm kích ứng hoặc tổn thương dây thần kinh giữa:
Chấn thương: Cổ tay bị gãy hoặc trật khớp, bệnh viêm khớp cũng có thể làm ống cổ tay bị hẹp dần và gây áp lực lên dây thần kinh giữa. Những người có ống cổ tay nhỏ có tỉ lệ mắc hội chứng ống cổ tay cao hơn bình thường.
Giới tính: Hội chứng này thường gặp ở phụ nữ do kích cỡ ống cổ tay của nữ giới nhỏ hơn của nam giới nói chung.
Tổn thương thần kinh: Một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như tiểu đường làm tăng nguy cơ gây tổn thương thần kinh, trong đó có cả dây thần kinh giữa.
Tình trạng viêm: Bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý gây viêm khác có thể ảnh hưởng đến đến lớp lót quanh gân cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
Thuốc: Một số nghiên cứu từng chỉ ra mối quan hệ giữa hội chứng đường hầm cổ tay và việc sử dụng anastrozole (Arimidex), đây là loại thuốc dùng trong điều trị ung thư vú.
Dịch cơ thể thay đổi: Lượng dịch tích tụ làm tăng áp lực trong ống cổ tay, kích thích dây thần kinh giữa. Tình trạng này thường xảy ra ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc mãn kinh và thường tự khỏi sau khi sinh con.
Tiền sử bệnh lý: Một số bệnh lý như rối loạn tuyến giáp, suy thận, mãn kinh, và phù bạch huyết làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đường hầm cổ tay.
Tính chất công việc: Làm việc với các công cụ rung lắc hoặc yêu cầu thực hiện các thao tác tay lặp đi lặp lại có thể gây hại dây thần kinh giữa hoặc khiến các tổn thương thần kinh vốn có trở nên trầm trọng hơn.
Phòng ngừa hội chứng đường hẩm cổ tay
Áp dụng các phương pháp phòng ngừa giúp giảm thiểu nguy cơ phát triển hội chứng ống cổ tay
Không có phương pháp nào hoàn toàn ngăn ngừa được hội chứng đường hầm cổ tay, nhưng bạn có thể áp dụng một vài gợi ý dưới đây nhằm giảm áp lực lên bàn tay và cổ tay:
- Giảm lực, thả lỏng tay khi làm việc: Nếu công việc của bạn yêu cầu thao tác tay lặp đi lặp lại như gõ bàn phím, sử dụng máy đếm tiền thì hãy thả lỏng cơ và bấm phím nhẹ nhàng.
- Nghỉ giải lao ngắn thường xuyên: Nhẹ nhàng duỗi và uốn cổ tay cũng như bàn tay thường xuyên để giãn cơ cũng như giảm thiểu căng thẳng cho tay, đặc biệt đối với những người làm việc yêu cầu thao tác tay lặp đi lặp lại hoặc sử dụng các thiết bị gây rung lắc. Thực hiện thao tác này vài phút sau mỗi giờ làm việc có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của hội chứng đường hầm cổ tay.
- Cải thiện tư thế ngồi: Tư thế ngồi làm việc không đúng khiến vai hướng về phía trước, làm cho cơ cổ và vai bị ngắn lại, từ đó chèn ép các dây thần kinh ở cổ gây ảnh hưởng đến cổ tay, ngón và bàn tay, đồng thời có thể gây đau cổ.
- Giữ ấm tay: Một nguyên nhân khác gây đau và cứng tay là làm việc trong môi trường lạnh, vì vậy người bệnh nên đeo găng tay để giữ ấm cho tay khi làm việc.
Hội chứng ống cổ tay dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng điều trị chậm hoặc không đúng cách có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn, dẫn đến tàn phế và mất chức năng của bàn tay. Nếu bạn thấy các ngón tay mình xuất hiện dấu hiệu đau nhức, tê buốt như bị điện giật thì hãy đến ngay các bệnh viện chấn thương chỉnh hình để được thăm khám kịp thời nhé. Trên đây là một số thông tin về hội chứng đường hầm cổ tay mà chúng tôi muốn chia sẻ tới bạn đọc, cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi và hi vọng những thông tin được chia sẻ trong bài hữu ích với bạn trong việc cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.